hướng dẫn áp dụng
Vòng hợp âm lướt 2-5-1
cho guitar cực đơn giản
Xin chào các bạn đang theo dõi trang của Trung tâm nghệ thuật Long Biên Guitara. Hôm nay, tôi sẽ hướng dẫn mọi người áp dụng vòng 2-5-1 trên guitar, đây là một vòng hợp âm nghe vô cùng “bùi tai”, đảm bảo các bạn sẽ thích.
1. Vòng hợp âm 2-5-1 là gì?
Là vòng hợp âm thường dùng trong nhạc Jazz, có lực thu hút mạnh (hợp âm đứng trước tạo âm thanh căng thẳng, hợp âm đứng sau giải tỏa căng thẳng).
Giải thích: Ở đây, hợp âm 2 sẽ tạo căng thẳng, hợp âm 5 giải tỏa cho hợp âm 2 đồng thời cũng tạo căng thẳng để hợp âm 1 giải tỏa, tạo thành một chuỗi nghe rất thư giãn khi kết thúc. “Lướt” nghĩa là chỉ chơi trong thời gian ngắn, nếu chơi hợp âm đó trong thời gian quá dài sẽ gây cảm giác khó chịu.
Bạn cũng nên đọc bài viết này: ẤN ĐÂY
Số 2, 5, 1 chính là số thứ tự của nốt nhạc trong 1 âm giai. Ví dụ:
– Âm giai C (Đô trưởng) gồm các nốt theo thứ tự từ gốc là: C, D, E, F, G, A, B (Đô, Rê, Mi, Fa, Son, La, Si). Ta có:
C = 1
D = 2
E = 3
F = 4
G = 5
A = 6
B = 7
Vậy 2-5-1 chính là D-G-C.
– Âm giai D (Rê trưởng) gồm các nốt theo thứ tự: D, E, F#, G, A, B, C#. Vậy 2-5-1 là E-A-D.
2. Sử dụng “vòng tròn bậc 5” để tìm 2-5-1 cực nhanh.
Theo ví dụ ở phần 1, ta có hợp âm 1 là C.
Hợp âm 5 sẽ nằm bên phải hợp âm 1, theo chiều kim đồng hồ, chính là G.
Hợp âm 2 sẽ nằm bên phải hợp âm 5, theo chiều kim dồng hồ, chính là D.
Khi tìm ra, ta đọc ngược chiều kim đồng hồ, sẽ có D–G–C chính là 2-5-1.
Thử tính một vòng 2-5-1 khác, với 1 là E, lần lượt ta có 5 là B và 2 là F#. Vậy 2-5-1 ở đây là F#–B–E
Bạn làm tương tự với bất kì hợp âm 1 nào cũng sẽ ra hết.
3. Áp dụng khi hợp âm 1 của bạn là hợp âm trưởng.
Công thức: m7 – 7 át – maj7
Trong đó, hợp âm 2 có đuôi “m7”, hợp âm 5 có đuôi “7”, hợp âm 1 có đuôi “maj7” hoặc không có đuôi.
VD: trong phần 1, ta có C là hợp âm trưởng thì vòng 2-5-1 của C sẽ là: Dm7 – G7 – C hoặc Dm7 – G7 – Cmaj7
Lưu ý, hợp âm 7 át có thể thay thế bằng nhiều biến thể như hợp âm 7b9, 9, 11, 11b9,… Tôi sẽ có một bài viết khác về các biến thể này.
4. Áp dụng khi hợp âm 1 của bạn là hợp âm thứ (có đuôi “m”).
Công thức: m7b5 – 7 át – m7
Trong đó, hợp âm 2 có đuôi “m7b5”, hợp âm 5 có đuôi “7”, hợp âm 1 có đuôi “m”, “m7” hoặc “mmaj7” (min maj7).
VD: nếu hợp âm 1 của bạn là Am hoặc Am7 (đều là hợp âm thứ) thì vòng 2-5-1 của chúng sẽ là: Bm7b5 – E7 – Am hoặc Bm7b5 – E7 – Am7
Xem trong clip dưới. Vốn bài hát “Chuyện rằng” của Thịnh Suy viết theo vòng “Cmaj7, Am7, Dm7, G” nhưng tôi đã thêm màu mè vào điệp khúc bằng cách chèn thêm 2-5-1 vào trước Am7, Dm7 và G. Cụ thể, vòng hợp âm sẽ đổi thành: Cmaj7 Bm7b5 – E7 Am7 Em7b5 – A7 Dm7 Am7 – D7 G7 G
Nhiều bài hát các bạn chỉ cần áp dụng vòng 5-1 cũng rất hay rồi. Tuy nhiên, cũng cần chú ý khi áp dụng với các bài hát ở tone thứ, sẽ có lúc không áp dụng được 2-5-1 và 5-1. Sau đây là vài bài hát ví dụ có vòng 2-5-1 hoặc 5-1:
Nàng thơ
Sau này hãy gặp nhau khi hoa nở
Về phía mưa
Lần cuối
Các bạn nên học thuộc các vòng 2-5-1 trên vòng tròn bậc 5, học thuộc một số tư thế bấm hợp âm để áp dụng cho nhanh, vì khi chơi đàn sẽ không có thời gian ngồi nhẩm tính, và đừng quên theo dõi trang vì tôi sẽ còn đăng rất nhiều bài học về hòa âm guitar. Chúc các bạn thành công. 👌
Bài viết mới